
Kín mít các sân tập, hồ bơi
Tại hồ bơi Quân khu 7 (quận Tân Bình, TP.HCM) mới gần 6 giờ sáng nhưng đã đông kín người vào bơi, riêng khu vực dành cho trẻ em thì không ít em đang ngồi chờ vì quá đông. Em Nguyễn Anh Thảo học sinh lớp 7 nhà ở Huỳnh Văn Bánh, quận 3 cho biết, con được nghỉ hè 3 tuần nên ngày nào cũng xin ba mẹ vào đây đi bơi. Mọi hôm con thường đi buổi chiều nhưng thấy đông quá nên giờ đi buổi sáng, vậy mà cũng phải ngồi chờ suất sau nè cô. Tương tự tại hồ bơi Kỳ Đồng sáng, trưa, chiều, tối đều quá tải. Không ít bậc phụ huynh giữa trưa nắng gắt chở con tới rồi lại phải chở về hoặc tìm tới hồ bơi khác vì hết vé.
![]() Trẻ chơi thể thao tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận. |
Cẩn thận với các chấn thương
Rất nhiều trẻ vì mãi chơi hoặc do bất cẩn nên đã bị chấn thương trong khi chơi thể thao. Thống kê tại bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, 2 TP.HCM, BV. Chấn Thương Chỉnh Hình… số trẻ phải nhập viện do bị chấn thương đang gia tăng. Những chấn thương thường gặp nhất là ngạt nước, say nắng và gãy xương… Theo Ths.BS. Tăng Hà Nam Anh - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trẻ em thường chơi thể thao say mê dưới trời nắng và nóng nên dễ bị say nắng. Nguyên nhân là do các em bị mất nước nhiều, khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn người lớn…Triệu chứng của trẻ bị say nắng là mệt mỏi, ngất kết hợp với tình trạng kiệt sức, nôn ói, chuột rút và nhiệt độ cơ thể bình thường, giảm hay tăng. Khi trẻ bị say nắng, phải đưa vào chỗ mát, cởi hết quần áo, đặt các túi nước đá vào các vùng cổ, nách, háng. Mở quạt để tăng sự đối lưu không khí. Để tránh bị say nắng chỉ nên cho trẻ chơi thể thao vào buổi sáng sớm đến 8 giờ sáng, buổi chiều phải sau 3 giờ. Cho trẻ uống nước đều đặn trong thời gian chơi thể thao và nhiệt độ nước uống từ 15 – 22oC.
Ngạt nước cũng là một trong những tai nạn rất thường gặp khi trẻ đi bơi. Để tránh cho trẻ bị tai nạn này, người lớn cần phải đi cùng với trẻ và không cho trẻ bơi nơi hồ sâu. Tại các hồ bơi thường sử dụng thuốc khử trùng, làm nước có hại cho niêm mạc của trẻ nên sau khi trẻ đi bơi cần nhỏ nước muối sinh lý để phòng bệnh mũi, họng.
Ngoài ra, chấn thương thường gặp nhất phải kể đến là bị gãy xương. Những dấu hiệu cho thấy bị gãy xương: trẻ không cử động chi, có thể chảy máu; xương chọc ra da, đầu chi có cảm giác châm chích, tái nhợt; biến dạng chi hoặc khớp; ấn nhẹ hoặc cử động cũng gây đau… BS. Nam Anh khuyến cáo khi trẻ bị gãy xương, phụ huynh tuyệt đối không dùng rượu, muối, dầu nóng để bóp. Như vậy không những không giúp trẻ bớt đau mà còn làm cho vết thương nặng hơn, khó chữa trị hơn. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên cần phải gọi ngay cấp cứu. Và trong thời gian chờ cấp cứu tới cần tiến hành sơ cứu ngay: cầm máu; nẹp vùng bị gãy xương lại; chườm lạnh vùng gãy xương. Nếu trẻ ngất hoặc thở nhanh nông cho trẻ nằm đầu thấp hơn thân mình và nếu có thể được, nên kê cao chân.
NGUYỄN HUYỀN
Tổng hợp & BT: Bích Ngọc (Ybacsi.com)
